#011 | Hợp đồng vô hiệu một phần

08/30/2021

Tình tiết sự kiện:

Năm 2011, Nguyên đơn và Bị đơn ký hợp đồng thuê nhà xưởng. Năm 2014, hai bên ký lại hợp đồng trong đó có nội dung giá thuê; đặt cọc. Cụ thể, “Giá thuê bằng đồng Việt Nam tương đương 19.000 USD một tháng theo tỷ giá ngoại tệ bán ra do Ngân hàng Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán”, “Bên B (Nguyên đơn) sẽ đặt cọc bằng đồng tiền Việt Nam tương đương 60.000 USD theo tỷ giá ngoại tệ bán ra tại thời điểm đặt cọc do Ngân hàng Việt Nam công bố”. Hội đồng Trọng tài xác định hợp đồng vô hiệu nhưng chỉ vô hiệu một phần.

Bài học kinh nghiệm:

Trên thực tế, đôi khi doanh nghiệp xác lập hợp đồng nhưng hợp đồng rơi vào trường hợp vô hiệu và vụ việc trên là một ví dụ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần lưu ý xác định hợp đồng thuộc trường hợp vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu một phần. Trong trường hợp vô hiệu một phần, phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực và ràng buộc các Bên.

Trong vụ việc trên, hợp đồng được xác lập ở thời kỳ Bộ luật dân sự năm 2005 đang có hiệu lực và, ở thời điểm này, “giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu” trong khi đó Điều 22 của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 ngày 13/12/2005 và Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18/03/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Với quy định trên, chúng ta thấy ở thời điểm các bên xác lập hợp đồng, hợp đồng vi phạm điều cấm của “pháp luật” thì vô hiệu trong khi đó Pháp lệnh ngoại hối nêu trên là “pháp luật” (không là luật) nên Hội đồng Trọng tài đã xác định “Thỏa thuận như vậy là vi phạm quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh Ngoại hối”,với việc ghi giá, định giá bằng ngoại hối tại Điều 3 của hợp đồng 14 là vi phạm điều cấm của pháp luật”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài đã cho rằng “việc thỏa thuận liên quan đến ngoại hối tại Điều 3 của hợp đồng 14 vi phạm điều cấm của pháp luật nên vô hiệu”. Ở đây, chúng ta không bàn về căn cứ vô hiệu (nếu hoàn cảnh tương tự xảy ra mà phải áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015 thì hợp đồng không vô hiệu do có sự thay đổi trong Bộ luật dân sự năm 2015[1]) mà tập trung vào xem xét phạm vi vô hiệu của hợp đồng.

Khi hợp đồng vô hiệu, nó có thể vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn phần (toàn bộ). Thực tế, Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 135) và Bộ luật dân sự năm 2015 (Điều 130) lần lượt quy định “giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch” và “giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch”. Đối chiếu với các tình tiết của vụ việc trên, chúng ta có hợp đồng đặt cọc và hợp đồng thuê nhà xưởng nhưng không phải toàn bộ hai hợp đồng này đều vi phạm điều cấm; chỉ những nội dung liên quan đến việc nêu giá bằng ngoại hối là vi phạm điều cấm và phần còn lại là hợp pháp như Hội đồng Trọng tài đã xác định “Điều 3 của hợp đồng 14 chỉ quy định về tiền đặt cọc, giá thuê”, “việc ghi giá, định giá bằng ngoại hối tại Điều 3 của hợp đồng 14 là vi phạm điều cấm của pháp luật”. Từ đó, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng “Các thỏa thuận liên quan đến ngoại hối tại Điều 3 của hợp đồng 14 chỉ quy định về tiền đặt cọc, giá thuê nên khi các nội dung này vô hiệu, không làm ảnh hưởng đến hiệu lực phần còn lại của hợp đồng 14. Vì vậy, Hội đồng Trọng tài có căn cứ để nhận định rằng hợp đồng 14 vô hiệu từng phần (…). Phần hợp đồng bị vô hiệu là các nội dung liên quan đến ngoại hối tại Điều 3 của hợp đồng”.

Với hướng trên, chỉ một phần của hợp đồng vô hiệu và đó là phần nêu giá thuê và tiền đặt cọc bằng ngoại tệ. Điều đó có nghĩa là phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực pháp luật. Thực tế, Hội đồng Trọng tài đã theo hướng vừa nêu vì đã xét rằng “Bị đơn đã nhận đặt cọc của Nguyên đơn số tiền là 1.254.011.400 VND. Do đó, mặc dù các thỏa thuận liên quan đến ngoại hối tại Điều 3 của hợp đồng 14 không có hiệu lực, giữa các Bên vẫn tồn tại giao dịch dân sự về vấn đề đặt cọc” và “phần còn lại của hợp đồng 14 có hiệu lực pháp luật, ràng buộc Nguyên đơn và Bị đơn”. Ở đây, Hội đồng Trọng tài theo hướng hợp đồng đặt cọc vẫn có hiệu lực và hợp đồng thuê cũng vậy nên Hội đồng Trọng tài xử lý hợp đồng đặt cọc và hợp đồng thuê theo hướng có hiệu lực như xử lý việc “chấm dứt hợp đồng” (khi bàn về chấm dứt hợp đồng thì đồng nghĩa với việc hợp đồng đó đã hợp pháp).

Từ vụ việc trên, doanh nghiệp cần lưu ý rằng trong một số trường hợp hợp đồng do họ xác lập thuộc trường hợp vô hiệu nhưng điều đó không có nghĩa là toàn bộ hợp đồng vô hiệu. Pháp luật dân sự theo hướng hợp đồng có thể chỉ vô hiệu một phần và phần còn lại vẫn có hiệu lực (ràng buộc các bên). Việc vẫn giữ phần còn lại có hiệu lực của hợp đồng như vừa nêu là thuyết phục vì hợp đồng sinh ra không để bị vô hiệu hóa mà là để thực hiện. Do đó, chừng nào phần vô hiệu có thể tách rời đối với phần còn lại của hợp đồng, doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định và phân tích như trên để hạn chế phạm vi hợp đồng vô hiệu, tối đa hóa quyền lợi của mình.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

[1] Xem chủ đề về hợp đồng có thoả thuận sử dụng ngoại tệ (chủ đề 10).

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI